Thứ Ba, 11 tháng 8, 2009

Bé bị đàm và nghẹt mũi, làm sao?

Con tôi 4 tuổi (cháu sinh mổ), một năm nay cháu thường xuyên bị đàm (phải nhổ đàm ra ngoài), thỉnh thoảng còn bị nghẹt mũi, nhất là khi nằm máy lạnh (nhiệt độ 28 độ C). Mỗi ngày tôi có xịt nước biển khô ba lần cho cháu và đưa cháu đi bác sĩ nhiều lần nhưng vẫn không trị dứt được. Mong bác sĩ tư vấn. (Thuy Nhu)
- Trả lời:
Theo thư chị, cháu bị những triệu chứng sau đây:
1. Thường xuyên phải nhổ đàm ra ngoài.
2. Thỉnh thoảng bị nghẹt mũi (nhất là khi nằm máy lạnh).

Như vậy, có thể là cháu đã bị triệu chứng "chảy nước mũi sau".

Nguyên nhân:
Chảy nước mũi sau xảy ra khi có một số lượng đàm lớn ứ đọng trong thành sau của mũi và họng. Đây là một triệu chứng của một số bệnh lý đường hô hấp trên như:
- Viêm xoang.
- Dị ứng (thời tiết, khí lạnh, khói, một số thức ăn...)
- Nhiễm trùng: viêm tai, viêm amiđan.
- Nhiễm siêu vi như cảm lạnh, viêm mũi (cấp hay mãn).
- Trong một số trường hợp chảy nước mũi sau cũng có thể do trào ngược dạ dày thực quản.

Triệu chứng:
- Bệnh nhân cảm giác như có đàm từ trên chảy xuống họng và phải khạc đàm ra, ho.
- Thường xuyên đau họng.
- Nếu do dị ứng thì có thể thêm biểu hiện chảy nước mắt, ngứa mũi.
- Nghẹt mũi
- Lưỡi dơ dẫn đến hơi thở hôi.

Cách điều trị:
1. Xử trí tại nhà:
-Tránh những vật có thể gây dị ứng: khói thuốc lá, khí lạnh, một số thức ăn.
- Nhỏ mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý.

2. Đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để tìm nguyên nhân và hướng điều trị:
- Nhiễm trùng (viêm xoang, viêm amiđan, viêm tai...) : kháng sinh.
- Dị ứng: thuốc kháng histamines, thuốc nhỏ mũi có corticoids.
- Trào ngược dạ dày thực quản: nằm đầu cao, ăn những bữa nhỏ.

Riêng trường hợp của cháu: Khi nằm máy lạnh nên cho cháu nằm tránh chỗ máy lạnh tỏa khí lạnh ra, truy tìm các vật có thể gây dị ứng và đưa cháu đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (BV Nhi Đồng).

BS Nguyễn Xuân Bích Huyên
(Khoa Hô hấp, BV Chợ Rẫy TP.HCM)(Theo mamnon.com)