Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2009

Các loại nhiệt kế cho trẻ



Sốt là một phản ứng của cơ thể, hay gặp ở trẻ em, có thể là do thời tiết hoặc sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh (như virus, vi khuẩn...). Điều quan trọng nhất khi đứa trẻ bị sốt là phải biết chính xác trẻ sốt bao nhiêu độ để có biện pháp xử trí thích hợp.

Làm thế nào biết trẻ bị sốt?
Khi nghi ngờ trẻ bị sốt nên để bàn tay vào trán trẻ, nếu có cảm giác nóng rực tức là trẻ đã sốt. Sau đó, bạn nên cặp nhiệt độ để biết chính xác trẻ sốt bao nhiêu độ: sốt vừa: 37,8 độ C. Sốt cao khi nhiệt độ trên 38,5độ C. Sốt cao ác tính khi nhiệt độ trên 40,5 - 41 độ C.

Các loại nhiệt kế :
Nhiệt kế là dụng cụ y khoa rất gần gũi và cần thiết trong gia đình, nhất là gia đình có trẻ nhỏ. Hiện nay thị trường xuất hiện nhiều loại nhiệt kế phong phú về tính năng cũng như giá thành. Mời bạn tham khảo một số phương pháp đo nhiệt kế để giúp bạn lựa chọn một chiếc phù hợp cho bé yêu:

1. Nhiệt kế điện tử

Loại này khá phổ biến ở các hiệu thuốc hay cửa hàng bán đồ dùng cho em bé. Hình dáng thường là ống dài, hơi dẹt; trên thân có màn hình LCD để đọc kết quả; một đầu nhỏ bọc kim loại để đưa vào nơi cần đo nhiệt độ.

Giá cả của loại này cao thấp tùy theo từng hãng sản xuất và các tính năng đi kèm.

Ưu điểm
- Cho kết quả chính xác trong thời gian nhanh nhất.
- Dễ đọc kết quả, có bộ nhớ để xem lại kết quả của lần đo gần nhất.
- Có nhiều loại, kích cỡ cũng như giá cả từ thấp đến cao.
- Dùng để đo nhiệt độ ở miệng, hậu môn và nách.

Nhược điểm
- Có thể hết pin lúc cần dùng, do đó bạn nên để ý và thay pin thường xuyên.
- Sau khi thay pin, nhiệt kế thường không được chính xác như lúc ban đầu.

Giá tham khảo: 30.000 - 120.000 đồng

2. Nhiệt kế thủy ngân




Ưu điểm
- Bày bán phổ biến ở mọi nhà thuốc.
- Giá thành thấp nhất trong các loại nhiệt kế.
- Cách sử dụng đơn giản.

Nhược điểm
- Thời gian cho kết quả lâu (thường 10-15 phút).
- Có khả năng gây độc nếu bé làm vỡ ống thủy ngân. Do đó không nên dùng nhiệt kế thủy ngân đo ở hậu môn (trừ lúc bé ngủ say) và miệng.
- Đọc kết quả trên ống vạch thủy ngân khó hơn đọc trên màn hình LCD.

Giá tham khảo: 10.0000 - 30.000 đồng

3. Nhiệt kế dán trán



Hình dáng như một miếng băng dán, có in các chỉ số nhiệt độ. Khi sử dụng, bạn cầm 2 đầu của miếng dán vá đặt lên trán bé cho cân. Giữ nguyên cho đến khi màu sắc ở các ô trên miếng dán ngừng thay đổi. Kết quả thường hiển thị sau 15 giây.

Ưu điểm
- Rất thuận tiện với những bé bị hôn mê hay nếu bạn muốn đo nhiệt độ lúc bé đang ngủ.
- Giá thành không cao.

Nhược điểm
- Nhiệt độ phòng thích hợp khi dùng là 20-30ºC. Do đó về mùa đông, kết quả đo được thường không chính xác.
- Mất dần độ chính xác sau nhiều lần sử dụng (có thể là 3 tháng).

Giá tham khảo: 25.000 - 30.000 đồng

4. Nhiệt kế ti ngậm



Được thiết kế như một chiếc ti giả, có gắn thêm bộ phận đo và màn hình LCD hiển thị nhiệt độ.

Ưu điểm
Bạn dễ dàng đo được nhiệt độ ở trong miệng bé nếu bé thích thú với ti giả.

Nhược điểm
- Thiết bị này cho kết quả sau vài phút và đòi hỏi phải được giữ nguyên ở một vị trí trong miệng bé. Do đó nếu bé không chịu ngậm ti cao su hay quá hiếu động; kết quả đo không chính xác.
- Không nên dùng cho bé dưới 3 tháng tuổi.

Giá tham khảo: 80.000 đồng

5. Nhiệt kế hồng ngoại




Thiết bị này giống như một chiếc máy cầm tay, có vòi nhỏ để đặt vào tai bé và màn hình LCD để đọc kết quả. Loại này sử dụng chế độ hồng ngoại để đo nhiệt độ, vì vậy bạn nên khẽ lắc nhẹ qua phải, rồi qua trái khi đặt vòi ở lỗ tai bé.

Khi dùng xong, bạn lau vòi bằng khăn mềm và khô, không nên sử dụng khăn giấy vì có thể làm xước kính hồng ngoại.

Ưu điểm
- Đo nhiệt độ ở màng nhĩ, nhiệt độ bên trong ống tai.
- Cho kết quả trong thời gian ngắn và thuận tiện khi sử dụng.

Nhược điểm
- Với bé sơ sinh từ 3 tháng trở xuống, kết quả có thể không chính xác bằng cặp nhiệt độ điện tử ở trên.
- Giá thành thường khá đắt.

Giá tham khảo: 500.000 - 800.000 đồng.

(tổng hợp)- Theo Phunuonline