Dạy con học như thế nào?
Mẹ không chỉ là cô giáo mà còn là một người bạn
Mẹ biết bày trò chơi khi trẻ căng thẳng và động viên khi con tự tin vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Chị Lan vừa cầm roi vụt vào tay đứa con gái bốn tuổi vừa quát: “Dạy bao nhiêu lần rồi, sao đầu óc tối tăm thế?”. Bé Hà khóc ré lên, cãi lại: “Cô bảo chỉ tập viết một hàng thôi, không được viết trước. Mẹ cứ bắt con viết nhiều, mỏi tay lắm”.
Ảnh: sưu tầm
Mẹ ơi, đừng ép con!
Mọi việc bắt đầu khi chị Lan nhìn thấy chữ “d” không đúng kích cỡ, lại còn chệch xuống hàng dưới. Thế là chị buộc nó phải tập viết nhiều lần. “Chúng nó học giỏi thì chỉ viết một hàng, mày học rốt thì phải viết mười hàng nghe chưa? Viết đến bao giờ ngay hàng thẳng lối thì thôi”, chị đe.
Rồi chị ngồi ngay bên cạnh con bé, thi thoảng lại rít lên rồi vụt túi bụi vào bàn tay cầm bút của nó. Bé Hà vừa học, vừa khóc thút thít. Nếu học đúng tuổi năm nay con bé mới lên lớp mẫu giáo nhỡ. Thế nhưng vì sốt ruột nên chị đến trường để: “Xin các cô cho cháu ngồi nhờ lớp lớn”, hy vọng con mình biết chữ trước.
Lượng sức của bé
Bốn tuổi, con bé còm như cái lõi ngô, mọi người thường gọi đùa là “bé còi”. Vốn đã lười ăn, nó còn bị mẹ ép học quá sức, mụ ẫm cả người nên không lớn nổi. Chiều nào, cả xóm cũng nghe thấy tiếng chị Lan quát tháo con vì chuyện học hành. Sáng, chị đưa con đến lớp. Trưa Hà phải tập viết trước khi đi ngủ. Chiều trong lúc chị thổi cơm, con bé phải viết ít nhất một trang. Ít khi chị cho con ra ngoài chơi cùng những đứa trẻ hàng xóm. Vậy mà sức học của Hà cũng không trội, lại có phần đuối hơn các bạn.
Là cha mẹ, ai cũng mong con giỏi giang. Thế nhưng, cần lượng sức trẻ để hướng dẫn chúng học cho phù hợp với lứa tuổi và khả năng tiếp thu. Như thế, trẻ mới đạt kết quả tốt. Nôn nóng dạy con như chị Lan không làm cho trẻ học khá lên. Trái lại chúng càng mang tâm lý sợ sệt mỗi khi ngồi vào bàn. Đó là chưa kể việc chị không nắm được phương pháp sư phạm, áp đặt con theo tư duy người lớn. Điều đó làm cháu bị ức chế.
Có hôm, chị bất thần hỏi con: “Có bao nhiêu người ngồi chơi trong nhà mình?”. Bé Hà trỏ tay vào từng người đếm, chi cho là con phản ứng chậm và phát vào mông nó đau điếng. Số người ở nhà chị lúc ấy, cả người lớn lẫn trẻ con là 11. Con số đó vượt qúa phạm vi cộng trừ của một học sinh mẫu giáo. Vậy mà khi con trả lời sai, chị đã chút bực dọc lên đầu nó và mắng: “Dốt như bò!”. Những câu trách mắng như thế sẽ khiến trẻ tự ti và mang mặc cảm thua kém bạn bè.
Học là niềm vui
Trẻ con như búp non trên cành, để chúng phát triển tự nhiên là tốt nhất. Nếu bé không sáng dạ bằng bạn bè, bạn cần bĩnh tĩnh tìm hiểu nguyên nhân. Khi con lỡ bị điểm kém, thay vì trách mắng hoặc phạt chúng, bạn hãy động viên: “Không có người học dốt, chỉ có người chưa thật sự cố gắng”.
Trong việc dạy dỗ, mẹ không chỉ là cô giáo mà là người bạn biết bày trò chơi, tâm tình, động viên và song hành cùng trẻ trong việc học. Không nên đòi hỏi quá mức sự cố gắng của con. Ngoài ra, bạn cũng đừng chạy theo thành tích của người khác mà ép trẻ học quên ăn, quên ngủ.Cần phải biết thực lực của con mình để tìm cách kìm cặp cho phù hơp. Hãy rèn cho trẻ tính tự giác trong học tập va đừng quên tạo bầu không khí thoải mái khi bé ngồi vào bàn. Như vậy con bạn mới mau tiến bộ.
Theo Bibi.vn